Vì sao con người phải mất một năm mới biết đi?
- Cập nhật : 30/09/2016
Một nghiên cứu của các nhà thần kinh học và tâm lý học của Trường ĐH Lund, Thụy Điển đã giải thích vì sao con người phải mất hơn một năm mới biết đi, trong khi nhiều loài động vật có vú khác có thể đi ngay hoặc chỉ vài tháng sau khi sinh đã biết đi.
Quan niệm trước đây luôn cho rằng nguyên nhân là do dây thần kinh vận động của con người phức tạp hơn các loài động vật có vú khác, do đó phải mất nhiều thời gian hơn để kích thích việc đi lại bằng hai chân ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã cho ra những kết quả hoàn toàn trái ngược.
Họ đã tiến hành nghiên cứu về thời gian biết đi giữa 24 loài có vú từ chuột, voi cho đến khỉ... và lấy mốc là từ thời điểm thụ thai chứ không phải từ lúc mới sinh. Sau khi đối chiếu so sánh, kết quả cho thấy tất cả các loài có vú đều biết đi cùng một giai đoạn trong quá trình phát triển đến một trình độ nhất định của não.
Do đó, loài nào có não lớn hơn và nhiều tế bào não hơn như người thường mất nhiều thời gian hơn để thành thạo việc đi lại. Ngoài ra, việc biết đi sớm hay muộn còn do sự khác biệt về cấu trúc các chi. Đồng thời, cách thức di chuyển như người cũng phải mất nhiều thời gian để học hơn những loài thú đi bằng gót.
(Theo NLĐ/Physorg)
Trở về