Để nghiên cứu không xếp ngăn kéo

 Sau những tràng vỗ tay tại các buổi báo cáo, không ít nhà khoa học băn khoăn: làm sao để kết quả nghiên cứu đến được doanh nghiệp?

Bám thực tế

Qua đánh giá, có 9/13 công trình nghiên cứu khoa học của tỉnh Bình Phước không hiệu quả, không ứng dụng được vào thực tế. Nguyên nhân là do nghiên cứu không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tại tỉnh Bình Dương, ngân sách cho khoa học hàng năm vẫn dư cả chục tỷ đồng, nhưng các đề tài ứng dụng vào thực tiễn của tỉnh vẫn rất hiếm hoi.... Đây là một thực tế khá phổ biến trong hoạt động KH-CN không chỉ ở địa phương mà còn ở nhiều trung tâm nghiên cứu lớn.

TS Trần Cảnh (Viện Sinh học nhiệt đới) cho rằng, công việc của nhà khoa học là nghiên cứu. Việc nghĩ ra đề tài và nghiên cứu, thực hiện đề tài không khó. Nhưng nếu tất cả đề tài được thực hiện bằng kinh phí hỗ trợ chỉ từ các sở KH – CN thì... không ổn. Tại sao không thể gắn kết với các doanh nghiệp, các tập đoàn để xác định rõ nhu cầu nghiên cứu, cũng như tận dụng nguồn vốn nghiên cứu từ các doanh nghiệp?

Làm thế nào để nghiên cứu khoa học ứng dụng được vào thực tế là quan tâm hàng đầu của nhiều nhà khoa học.Ảnh: B.Dương.

Phó giám đốc Sở KH - CN TP Đà Nẵng, TS Ngô Thị Tuyết Nhung, nêu kinh nghiệm trước đây, nhiều đề tài của Sở KH - CN Đà Nẵng cũng luôn “xếp ngăn kéo”. Sau đó, Sở đã là nơi trung gian kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp. Ba năm sau khi kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp, có đến 90% đề tài sau khi nghiệm thu (tính từ năm 2007 đến nay) được ứng dụng. Trong đó, tất cả đề tài hỗ trợ doanh nghiệp đã được áp dụng, đem lại hiệu quả trong kinh doanh, sản xuất. Hiện nay, gần 1/3 trong số các đề tài nghiên cứu của Sở KH - CN Đà Nẵng là do doanh nghiệp “đặt hàng” nhà khoa học thực hiện.

Cần tầm nhìn xa

TS Ngô Hoàng Văn, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM cho rằng, muốn có nhiều đề tài khoa học ứng dụng hơn trong thực tế, nhà khoa học cần phải có tầm nhìn xa. Về bản chất, KH - CN ở nước ta đã đi sau các nước vài chục năm, nên việc nhìn xa 5, 10 năm sẽ không là quá khó. Nếu không nhìn xa thì khi chưa nghiên cứu xong, đề tài đã lạc hậu so với cuộc sống.

Theo ông Văn, những đề tài nghiên cứu về giao thông đô thị, quy hoạch đô thị, biến đổi khí hậu… càng cần thiết phải nhìn xa. Nếu không, chúng rất dễ “đứt gánh” khi áp dụng.

GS.TS Trương Nguyện Thành, Viện trưởng Viện Công nghệ Tính toán TP HCM, cũng cho rằng, vì ít kinh phí đầu tư, phần lớn những đề tài nghiên cứu của nhiều sở, ngành, địa phương vẫn để phục vụ những mục tiêu ngắn hạn. Đây đó là một trong những nguyên nhân chính khiến KH - CN Việt Nam tụt hậu.

Trong khi đó, PGS. Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH – CN TP HCM cho rằng bản thân các nhà khoa học cần nâng cao tinh thần doanh nghiệp khi nghiên cứu, còn bản thân doanh nghiệp thì nâng cao tinh thần nhà khoa học trong kinh doanh. Như vậy, chúng ta mới đưa được nhiều hơn đề tài khoa học đến với cộng đồng.

Bạch Dương

 

 

(Theo Báo Đất Việt)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++