Các nước đang phát triển bất đồng tại Copenhagen

Sự bất đồng quan điểm giữa các nước đang phát triển vừa xuất hiện trong các cuộc đàm phán tại hội nghị khí hậu hôm nay.

BBC cho biết, những quốc đảo nhỏ và các nước nghèo ở châu Phi đòi hỏi một thỏa thuận với những điều khoản mạnh hơn nghị định thư Kyoto và có tính ràng buộc pháp lý. Họ muốn nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C và nồng độ khí thải trong không khí duy trì ở mức 350 phần triệu chứ không phải ở mức 450 phần triệu theo đề xuất của các nước phát triển.

Tuy nhiên, đề nghị của họ vấp phải sự phản đối của những nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ. Những quốc gia này sợ rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ sẽ giảm nếu tỷ lệ cắt giảm khí thải quá cao. Vì vậy họ muốn nồng độ khí thải trong khí quyển được duy trì ở mức 450 phần triệu. Bên cạnh đó, Trung Quốc và một số nền kinh tế phát triển nhanh cũng không muốn ký kết một hiệp định mang tính ràng buộc về pháp lý.

Các nhà hoạt động môi trường giương cao biểu ngữ ủng hộ quốc đảo Tavalu tại Copenhagen. Ảnh:
Các nhà hoạt động môi trường giương cao biểu ngữ ủng hộ quốc đảo Tavalu tại Copenhagen. Ảnh: AP.

Tuvalu – quốc đảo nhỏ bé ở phía nam Thái Bình Dương – yêu cầu dừng các cuộc đàm phán cho tới khi tranh cãi được giải quyết. Sau đó phái đoàn của họ đã rời khỏi phòng họp.

“Thủ tướng Tuvalu và nhiều nhà lãnh đạo quốc gia khác muốn tới Copenhagen để ký một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý. Tuvalu là một trong những nước chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào kết quả của hội nghị”, Ian Fry, một trong những nhà đàm phán của Tuvalu, phát biểu.

Theo BBC, quan điểm của Tuvalu nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội Các quốc đảo nhỏ (AOSIS) và một số nước nghèo ở châu Phi như Sierra Leone, Senegal.

Sự chia rẽ giữa nhóm nước đang phát triển được coi là hiện tượng bất thường, bởi dư luận thế giới luôn cho rằng các nước này sẽ có tiếng nói chung trong hội nghị Copenhagen.

Su Wei, nhà đàm phán của Trung Quốc, phát biểu trước hội nghị rằng, đất nước ông và các nền kinh tế mới nổi khác hiểu rõ những vấn đề của các đảo quốc nhỏ. Tuy nhiên, nhà đàm phán Jerome Esebei Temengil của đảo quốc Palau, lại có quan điểm khác.

“Chúng tôi sắp bị nhấn chìm, song một số nước không thực sự quan tâm tới điều đó. Chúng tôi đang phải cầu xin họ. Hành động có giá trị hơn lời nói. Nếu các nước lớn thật sự quan tâm tới tình cảnh khốn khổ của chúng tôi, xin hãy lắng nghe chúng tôi một chút”, ông nói.

Trong khi đó, Trung Quốc và nhiều nước khác hôm nay nhắc lại lời kêu gọi các nước công nghiệp phát triển đưa ra cam kết mạnh mẽ về cắt giảm khí thải.

(Theo Vnexpress)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++