Ép tảo ra dầu diesel, công nghệ đầy triển vọng

Ép tảo cho ra dầu diesel là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đang hướng đến. Ưu thế vượt trội công nghệ này là không cạnh tranh đất canh tác nông nghiệp. Đặc biệt, với điều kiện lãnh thổ Việt Nam có chiều dài bờ biển hơn 3.300km thì việc nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ ép tảo tạo ra dầu sinh học của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM quả là công nghệ tuyệt vời, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng trong việc sản xuất dầu sinh học, đảm bảo an ninh năng lượng nước ta.

Từ ý tưởng... mong manh

“Nếu hàm lượng dầu trong tảo Chlorella đạt khoảng 57% thì giá thành sản xuất dầu biodiesel sẽ bằng chi phí sản xuất của dầu mỏ hiện nay trên thị trường.

Trong khi đó, VN có nhiều loại tảo, điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm (yếu tố rất thuận lợi để tảo phát triển) vậy tại sao chúng ta không làm?”, TS Trương Vĩnh, Trưởng bộ môn Hóa học, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, khẳng khái trao đổi về triển vọng thành công của đề tài “ép tảo cho ra dầu”.

Thực tế cho thấy, dự báo thế giới về nguồn năng lượng tự nhiên như dầu mỏ, than đá trong vài thập niên tới sẽ dần cạn kiệt và việc các nhà khoa học đang tìm kiếm nguồn năng lượng sinh học khác để dần thay thế là điều dễ hiểu.

Và đã có một số nước trên thế giới thành công khi triển khai sản xuất dầu biodiesel từ đậu nành, bắp. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp tối ưu bởi điều này đang ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh lương thực của quốc gia lẫn thế giới.

Ý tưởng về chọn loại tảo Chlorella để sản xuất dầu biodiesel đến với TS Trương Vĩnh cũng thật tình cờ. Nhiều lần trăn trở, đọc tài liệu ông cũng đã chú ý đến các loại thực vật thủy sinh này. Thế nhưng, một hôm tình cờ đọc một bài báo nước ngoài, trong đó có một gợi ý về những loài thực vật có chứa dầu biodiesel như cọ, bắp, vi tảo…

Khi phân tích bài báo, ông nhận thấy cọ dầu tuy là loại cây cho năng suất dầu cao, khoảng 5 tấn dầu/ha/năm nhưng loại cây này chiếm khá nhiều diện tích đất nông nghiệp. Hơn nữa, vấn đề khí hậu, thổ nhưỡng nước ta không hợp với loại cây này. Trong đó, tảo có sự phát triển nhanh, vòng đời chỉ vài ngày.

Chưa hết, nếu loại tảo có chứa hàm lượng dầu khoảng 30% thì cho tới 45 tấn/ha/năm, cao gấp 9 lần so với cọ dầu. Và trên thế giới có nhiều loại tảo có hàm lượng dầu tới 70% và cho 120 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, nếu hàm lượng dầu trong tảo đạt khoảng 57% thì giá thành sản xuất dầu biodiesel sẽ bằng giá dầu mỏ hiện nay. Khi so sánh và đặt vào điều kiện VN, TS Trương Vĩnh cho rằng, nước ta có nhiều loại tảo, điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm rất thuận lợi để tảo phát triển.

... đến bắt tay vào ép

Thế là một đề tài mới được hình thành. Ông cùng các cộng sự trong nhóm nghiên cứu lặn lội ra Vũng Tàu lấy mẩu tảo Chlorella, rồi xuống khoa Thủy sản ĐH Cần Thơ, Trung tâm Quốc gia giống hải sản Nam bộ để tìm giống tảo Chlorella. “Cái khó hiện nay là các loại tảo ở nước ta nuôi chủ yếu làm thức ăn cho các loại thủy sản (cá, tôm) nên hàm lượng protein nhiều hơn so với hàm lượng dầu. Vì vậy, vấn đề quan trọng là làm sao phân tách thành giống thuần hóa, có sức đề kháng tốt và sinh trưởng mạnh trong môi trường tự nhiên để áp dụng nuôi đại trà để sản xuất”, ông Vĩnh trầm tư.

Sau nhiều lần kiên trì theo dõi, làm các công đoạn phân tích, qua 8 tháng theo dõi, những chùm tảo nuôi thử nghiệm đã nhảy vọt từ mức hàm lượng dầu chỉ có 6% thì nay đã tăng lên đến 10%. Thành công bước đầu này đã khiến nhiều thành viên trong nhóm hớn hở. Tuy nhiên, ngoài việc nghiên cứu cải tạo giống tảo trong nước, nhóm nghiên cứu cũng tính đến phương án nhập giống tảo có hàm lượng dầu cao từ nước ngoài để nghiên cứu, cải tạo cho phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Khi chúng tôi tỏ ý quan ngại nếu thành công, khi đưa vào sản xuất tảo đại trà thì sẽ lấn chiếm đất nông nghiệp và liệu nó có tác hại đến môi trường. TS Trương Vĩnh phân tích, tảo là loại thủy sinh có lợi cho môi trường, làm sạch môi trường, đồng thời là nguồn sản xuất biodiesel phong phú mà không xâm hại an ninh lương thực như những loại cây trồng lấy dầu biodiesel khác.

Thứ nhất, tảo có thể tồn tại ở bất cứ nơi nào có đủ ánh sáng, kể cả vùng hoang hóa, nước mặn, nước thải, lại có khả năng làm sạch môi trường nước thải.

Thứ hai, thức ăn cho tảo chỉ cần ánh sáng, nước và chất dinh dưỡng có thể là phân hóa học hoặc phân chuồng. Thứ ba là nuôi theo mô hình “ao nổi”, khá đơn giản và trong thời gian vài ngày đã thu hoạch nên không ảnh hưởng đến các loại cây trồng. Ngoài việc dùng vi tảo để sản xuất nhiên liệu, có thể dùng bụi tảo khô để đốt trong các động cơ diesel thay thế cho than bụi.

Một nhà khoa học đã từng nói: “Người làm khoa học phải luôn trăn trở, tìm tòi ra những cái mới, rồi từ đó sẽ có những cái mới hơn nữa”. Dù đây là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đã làm nhưng nó cũng chỉ dừng lại ở việc công bố nghiên cứu. Nhưng dẫu sao, ta vẫn cứ hy vọng ý tưởng “ép tảo cho ra dầu” sẽ thành công và mở ra một hướng đi triển vọng cho ngành năng lượng sinh học nước ta.

 

(Theo Tạp chí Hoạt động khoa học)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++