Khai thác titan ven biển không quá nan giải

Khai thác titan ilmenit và các khoáng vật có ích đi kèm như rutil, zircon, monazite và xuất khẩu thô cần được tổ chức quy củ, chặt chẽ. Từ đó, mới có thể bảo vệ tài nguyên và môi trường một cách tốt nhất.

Sa khoáng ven biển là những mỏ nằm rời rạc, theo luật, có thể xếp vào nhóm mỏ tận thu thuộc quyền quản lý của các địa phương. Nhưng xét về vị trí chiến lược, chúng phải được xem xét ở góc độ lợi ích quốc gia.

Quản lý lạc hậu và lỏng lẻo

Phải nói rằng phương thức quản lý của chúng ta, từ cấp phép khai thác, cấp phép xuất khẩu đến quản lý các khâu khai thác và chế biến... hiện rất lạc hậu và lỏng lẻo. Hiện tượng khai thác bừa bãi hiện nay buộc các nhà quản lý vin vào lý do “kim loại chiến lược”, mà cấm đoán mọi hoạt động khai thác. Nhưng càng cấm, càng dẫn đến khai thác bừa bãi!

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đó là chưa nhận thức vai trò của các tổng công ty nhà nước, các công ty tư nhân và địa phương trong hoạt động khai thác. Các tổng công ty nhà nước cũng không đủ năng lực, trong khi các công ty địa phương hay tư nhân dựa vào quyền lợi địa phương và được bảo hộ bởi địa phương thì hoạt động càng bừa bãi.

Khai thác quặng cát đen (ilmenit).

Một ngành sản xuất bao gồm hàng trăm công ty mà cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu hằng năm không vượt quá 200 triệu USD như ngành sản xuất titan mà tình trạng quản lý lại trì trệ như vậy còn có nguyên nhân nào khác?
 
Không sợ cạn kiệt tài nguyên

Sa khoáng ven biển thuộc dạng mỏ “có thể tái tạo”, bởi vì các bãi sa khoáng thường xuyên được bồi đắp bởi dòng hải lưu và các bãi sa khoáng  ven sông hằng năm cũng được các dòng sông cung cấp các khoáng vật nặng. Qua các chu kỳ hàng chục, hàng trăm năm các bãi sa khoáng lại được bồi đắp hay bị di dời.

Mỏ Cồn Đen ở Thái Bình là một ví dụ. Để hài hoà giữa phát triển công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế biến còn tuỳ thuộc rất nhiều phương diện. Gần đây, các nhà địa chất ở Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát hiện trong tầng cát đỏ từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có chứa ilmenit với tổng tài nguyên trữ lượng dự báo đạt đến 200 triệu tấn. Nếu con số này được xác minh là chính xác thì phải tính đến phát triển công nghiệp chế biến titan và tận dụng các nguyên tố khác.

Như vậy, ở nhiều góc độ khác nhau, tôi sẽ không lo lắng về vấn đề môi trường và bảo vệ tài nguyên khi tiến hành khai thác ilmenit cùng các khoáng vật có ích đi kèm như rutil, zircon, monazite và xuất khẩu thô không cần qua tinh chế thành kim loại. Có điều là nên tổ chức khai thác sao cho có quy củ và xuất khẩu phải được quản lý chặt chẽ. Với nền kinh tế thị trường như các nước phát triển khác, chính các doanh nghiệp tư nhân có khả năng rất lớn trong khai thác, chế biến các khoáng sản ở quy mô khác nhau. Vấn đề chỉ còn lại là thực hiện nghiêm túc việc thu thuế và quản lý khoa học các khâu khai thác, chế biến, xuất khẩu.

(Theo Báo Đất Việt)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++