HIV tiêu diệt hệ miễn dịch chỉ trong vài ngày?

Theo hai nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, virus HIV tiêu diệt rất nhiều tế bào miễn dịch kể từ lúc xâm nhập vào cơ thể. Khám phá này cho thấy con người cần xem xét lại các chiến lược dự đoán triển vọng bệnh tật của bệnh nhân cũng như bào chế thuốc và vắc-xin.

Từ lâu, các bác sĩ nghĩ rằng HIV phải mất nhiều năm mới gây tổn thương thực sự cho cơ thể. Nguyên nhân là bệnh nhân thường bộc phát triệu chứng sau 5-10 năm kể từ khi nhiễm HIV. Tuy nhiên, giờ thì các nhà nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ HIV tàn phá hệ miễn dịch trong vòng vài ngày đầu tiên xâm nhập. Hai nhóm nghiên cứu tại Mỹ đã kiểm tra mức độ huỷ diệt của HIV ngay khi nó xâm nhập vào cơ thể bằng cách nghiên cứu khỉ bị nhiễm SIV - một loại virus tương tự HIV.

Nghiên cứu do Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, được đăng tải trên tạp chí Nature số ra tuần này, cho thấy SIV lây nhiễm 60% tổng số tế bào miễn dịch CD4+ và tiếp tục tiêu diệt khoảng 50% tế bào này. CD4+ có vai trò ghi nhớ các tác nhân lây nhiễm và kích thích hệ miễn dịch tấn công chúng. Kết quả cung cấp thêm bằng chứng: HIV tấn công dữ dội hơn nhiều so với những gì con người từng nghĩ. Nghiên cứu thứ hai do các chuyên gia tại ĐH Minnesota tiến hành cho thấy HIV còn làm cho CD4+ tự vẫn mà không cần phải xâm nhập vào bên trong tế bào.

Theo các chuyên gia, nếu kết quả của hai nghiên cứu trên được khẳng định, bác sĩ nên căn cứ vào số tế bào miễn dịch bị HIV tiêu diệt trong vài ngày đầu để dự đoán bệnh sẽ tiến triển nhanh như thế nào ở bệnh nhân. Kết quả cũng ủng hộ quan điểm: cần cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao uống thuốc để phòng ngừa nhằm ngăn chặn virus giành được chỗ đứng trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu cũng cần tìm cách làm cho các loại thuốc kháng virus HIV hiện nay có khả năng tái tạo các tế bào CD4+ đã mất đi.

 

( theo Tạp chí hoạt động khoa học )

Các tin mới hơn :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++