Làm dâu... triệu họ

Tiết mục nào trên các kênh truyền hình được người dân quan tâm nhất? Nếu chúng ta làm một cuộc điều tra bỏ túi. Tùy đối tượng độc giả. Thanh thiếu niên, trí thức, công nhân, nông dân, người già… mỗi người yêu thích một tiết mục, song tỷ lệ phần trăm rất phân tán. Có một tiết mục, số ý kiến sẽ tập trung cao. Đó là dự báo thời tiết.

Đứng đầu bảng của sự quan tâm 

Các ông bố cần để chuẩn bị hành trang cho chuyến đi công tác ngày mai. Bà nội trợ cần để xem có nên bỏ chiếc chăn và tấm ga trải giường vào máy giặt không. Bà mẹ trẻ cần để xếp thêm chiếc áo ấm cho cô con gái đầu lòng buổi sáng đến trường mầm non. Ông bệnh nhân hen cò cử lại muốn biết đêm nay, ngày mai độ ẩm bao nhiêu để trữ sẵn thuốc. Còn các cụ già đã ngoài vòng thế sự? - “Ôi dào, chẳng hiểu để làm gì nữa. Chỉ biết ba bốn chục năm nay đã quan tâm, đã theo dõi nên thành thói quen mất rồi. Giá vừa nghe xong, ai có hỏi lại thời tiết thế nào thì đã quên béng, nhưng “hụt” một buổi dự báo thời tiết thì mắng cháu chửi con ầm ầm, chẳng nhớ nhắc ông”.
 

Mô tả ảnh.
Xử lý số liệu.

Tuy nhiên, mùa bão lũ thì hầu như thống nhất: Bản tin dự báo thời tiết trở nên quan trọng số 1 đối với tất cả mọi người. Không ai là không theo dõi, đặc biệt nhất là dân miền chiêm trũng, dân vạn chài ven biển, dân vùng cao mà kẻ thù đáng sợ nhất là lũ quét, là đất sạt, là núi lở…

Vinh dự và trách nhiệm

Đối với người làm ra những bản tin ấy được ai cũng để mắt đến quả là vinh dự lớn. Họ phấn khởi khi thấy trước cái tivi lúc này ai cũng bực bội thấy tiêu đề dự báo thời tiết đã xuất hiện rồi mà đơn vị tài trợ còn tranh thủ quảng cáo, rồi lắng nghe một cách hồi hộp, “nuốt” từng lời của phát thanh viên. Nghe bản tin dự báo thời tiết của Trung ương rồi, lại nghe riêng bản tin tương tự phát trên “nhà đài tỉnh” để biết thêm chi tiết nơi mình đang ở. Người làm khí tượng tự hào lắm chứ, thấy được tầm quan trọng của mình trước bàn dân thiên hạ, “làng nước ưng bầu chẳng phải chơi”. 

Thế nhưng xưa nay vẫn thế, nước nào khoa học kỹ thuật dù cao siêu đến mấy cũng không tránh khỏi có lúc, thậm chí nhiều lúc, nói sai. Có lẽ hàng trăm năm sau vẫn chỉ khiêm tốn mang tên “Dự báo thời tiết” chứ chẳng bao giờ khẳng định được là “Thông báo thời tiết”. Chẳng thế, người ta bảo những cô gái đỏng đảnh, nhõng nhẽo, hay thay đổi ý kiến là “sớm nắng chiều mưa”. Ai cũng biết vậy nhưng mỗi khi thời tiết có nói sai thì bực bội, kêu ca, chế giễu, nhiều lúc làm toáng lên, thậm chí đòi… kiện, đòi bồi thường, nhất là khi thiệt hại người và của khá lớn. Như cơn bão Chanchu năm nào.

Lại nhớ cách đây không lâu, Đà Nẵng hoảng loạn trước tin dự báo sóng thần. Gần hai ngày trời khu vực Xuân Thiều, Nam Ô (quận Liên Chiểu) diễn ra cảnh vườn không nhà trống, sản xuất và sinh hoạt tê liệt vì người dân đã kéo hết lên điểm cao, kể cả đỉnh đèo Hải Vân, nhưng… chẳng có gì. Mọi người thở phào, thôi thì coi đó là một cuộc tổng diễn tập phòng tránh thiên tai.
 

Mô tả ảnh.
Bản đồ thời tiết.

Người “độc mồm” mỉa mai: “Khí tượng báo nắng thì mưa, báo bão khẩn cấp thì chưa có gì”.

Cán bộ ngành khí tượng thuỷ văn chính là những người áy náy và đau xót nhất. Chẳng phải họ bực bội vì bị chế giễu, bị chửi mắng mà buồn vì nhiệm vụ của mình không hoàn thành.

Họ rất lo nữa. Lo rằng: vì báo không chính xác nên dân mất niềm tin, dân “nhờn” với cảnh báo của khí tượng thủy văn, và vì vậy coi thường những cảnh báo. Đến lúc đó thì những dự báo đúng không được làm theo, thiệt hại không biết đâu mà kể.

Trách nhiệm của những người làm khí tượng thật nặng nề.

Hãy thông cảm với ngành khí tượng

Trước hết, hãy nhớ rằng nước ta là một trong 5 ổ bão của thế giới, thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại thiên tai. Việt Nam cũng nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về tần suất bị thiên tai, phổ biến là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán. Những biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây càng làm thiên tai trở nên trầm trọng.

Dự báo thời tiết, khí tượng, thuỷ văn là công việc hết sức khó khăn và phức tạp. Phần lớn các yếu tố chi phối khí hậu, thời tiết là bất định (không có quy luật mà trong vật lý gọi là chuyển động rối). Để phục vụ cho công tác dự báo, người ta phải xử lý đến 75.000 quan trắc hằng ngày, đòi hỏi mức độ tự động hóa rất cao với những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm.

Trong khi đó, so với các nước trên thế giới thì năng lực, trang thiết bị, công nghệ dự báo khí tượng thủy văn của nước ta rất lạc hậu, cả các nước trên thế giới và trong khu vực. Mật độ trạm quan trắc mặt đất rất thưa, công nghệ quan trắc và truyền tin chủ yếu là thủ công, bán tự động. Công cụ và phần mềm tích hợp các sản phẩm cho dự báo chưa đầy đủ và đồng bộ. Dự báo viên có kinh nghiệm còn ít. Đó là một thực tế khách quan ảnh hưởng rất lớn đến độ chính xác của dự báo trong khi diễn biến của những hiện tượng tự nhiên ở nước ta như đã nói trên, lại phức tạp hơn nhiều khu vực khác.
 

Mô tả ảnh.
Cơn bão, chụp từ vệ tinh.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, có lẽ chỉ “không khí lạnh” thì chúng ta có thể dự báo sớm và chính xác, dự báo bão và áp thấp nhiệt đới tương đối tốt và kịp thời, còn dự báo lũ quét, lốc xoáy và vũ lượng thì dường như vẫn... bó tay.

Vươn lên bằng cách nào?

Muốn nói gì thì nói, quan trọng bậc nhất vẫn là cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ. Phải đầu tư tăng cường mật độ trạm khí tượng thuỷ văn, hướng tới tự động hoá quan trắc, đo đạc, truyền nhận thông tin, phân tích tính toán, tích hợp.

Bộ Tài nguyên & Môi trường đang gấp rút hoàn thành đề án hiện đại hoá công tác đo đạc khí tượng thủy văn trong giai đoạn 2010-2012 để Chính phủ xét duyệt. Theo đề án, dự kiến kinh phí đầu tư vào khoảng 1.300 tỷ đồng, nhằm xây dựng và trang bị một số trạm khí tượng tự động và trạm đo mưa tự động ở thượng lưu các con sông lớn, lắp mới 5 rađa hiện đại, tăng mật độ mạng lưới các trạm quan trắc tại Hà Nội và vùng phụ cận làm thí điểm để triển khai dự báo cực ngắn. Xây dựng một trung tâm công nghệ cao về dự báo khí tượng thủy văn. Ngoài ra cần có cơ chế thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực để tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của thế giới. Chi bằng biện pháp đồng bộ như vậy mới nâng được độ chính xác của công tác dự báo khí tượng thủy văn mà thôi.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng

Dự báo có thể không chính xác là điều không tránh khỏi. Cho dù có cùng các số liệu quan trắc nhưng dự báo diễn biến của một cơn bão, nhiều khi của cơ quan khí tượng các nước cùng chịu thiên tai vẫn khác nhau. Thiên tai mang nhiều yếu tố bất ngờ nên người dân phải thường xuyên cập nhật thông tin mới, dự báo càng gần với thời điểm thiên tai xảy ra thì càng chính xác.
 

Trong việc phòng chống thiên tai, nhất thiết không được chủ quan, không vì thấy lần trước không xảy ra mà lần sau “bình chân như vại”. Ở Nhật Bản, trong 100 lần cảnh báo sóng thần chỉ xảy ra vài lần. Nhưng thấy có triệu chứng, hiện tượng vẫn cứ phải báo.

Thống kê ở Nhật Bản cho thấy 60-70% hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai là do hiểu biết và ý thức của người dân, biết chủ động các phương pháp phòng chống, hỗ trợ lẫn nhau tại cộng đồng, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước hay... các tổ chức từ thiện khi sự đã rồi.

Các phương tiện truyền thông đưa các dự báo đến người dân phải chính xác, kịp thời song đồng thời cũng có trách nhiệm nâng cao ý thức của người dân, làm họ thấy được việc một thiên tai đã dự báo (nhất là dự báo dài) mà không xảy ra là điều hết sức bình thường, bởi diễn biến đầy bất ngờ vốn là đặc trưng của thời tiết và không vì thế mà mất cảnh giác ở những lần sau, không trách cứ các cơ quan dự báo, những người mang “nỗi khổ” làm dâu triệu họ.

VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ XU HƯỚNG THỜI TIẾT

Như đã nói, những dự báo xa thường không chính xác nhưng vẫn rất nên tham khảo. Bạn hãy suy ngẫm về những nhận định xu thế thời tiết mùa đông xuân năm 2009-2010 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương sau đây:

Hiện tượng thời tiết đặc biệt 

Bão và áp thấp nhiệt đới 

Từ nay đến hết năm 2009, bão và áp thấp nhiệt đới vẫn còn tiếp tục xuất hiện và hoạt động trên khu vực biển Đông. Trong đó, khả năng có 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, chủ yếu ảnh hưởng tới các tỉnh Trung bộ.

Rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình từ 15 độ trở xuống) 

Cả vụ có 2-3 đợt rét đậm - rét hại, tập trung xảy ra vào tháng 1 và nửa đầu tháng 2. Đợt rét đậm đầu tiên của vụ đông xuân 2009-2010 khả năng xuất hiện muộn hơn so với mức trung bình năm ngoái (TBNN).

Nhiệt độ
Trên phạm vi cả nước, nền nhiệt độ toàn vụ đông xuân năm 2009-2010 (từ tháng 12/2009 đến tháng 4/2010) và nhiệt độ trong 3 tháng chính đông (tháng 12/2009 đến tháng 1/2010) ở mức cao hơn so với TBNN.

Lượng mưa
- Bắc bộ và Bắc Trung bộ: Lượng mưa toàn miền phổ biến ở mức thấp hơn một ít hoặc xấp xỉ so với mức TBNN.
- Các nơi khác: Lượng mưa toàn mùa ở mức thấp hơn so với TBNN,
- Khả năng ở Nam bộ mùa mưa sẽ kết thúc sớm.

 

(Theo Vietnamnet)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++