Cứu sông như thể cứu người

Ngày 31-10, gần 60 nhà khoa học trong và ngoài nước đã có mặt tại hội thảo “Bảo vệ sự sống của các dòng sông” tổ chức ở rừng Nam Cát Tiên. Họ tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về các dòng sông.

 

 

Khai thác cát ồ ạt trên sông Đồng Nai tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đã đến lúc cần coi sức khỏe của dòng sông như sức khỏe con người.

“Các nguồn nước ô nhiễm nặng, mực nước ngầm đang giảm mạnh, chỉ số thông minh của thế hệ tương lai đang ít dần...” - tiến sĩ Vũ Ngọc Long, phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, cảnh báo. Theo Tổ chức mạng lưới sông ngòi VN, hiện nay nhiều con sông lớn ở các thành phố lớn đang ngắc ngoải. Nhiều dòng sông “nước gương trong soi tóc những hàng tre” ngày nào nay đen kịt vì ô nhiễm.

Ngắc ngoải vì ô nhiễm

Ở khu vực phía Bắc, sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Hồng... hằng năm phải chịu hàng trăm ngàn tấn hóa chất của các cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Nhiều dòng sông ô nhiễm nặng nề do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, rác nông nghiệp, công nghiệp. Ở phía Nam, “sức khỏe” các sông Thị Vải, Đồng Nai, Mekong ngắc ngoải kêu cứu.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Vinh, quyền trưởng phòng nghiên cứu sinh thái Viện Sinh học nhiệt đới, nhắc lại cảnh báo chúng ta có ban bảo vệ lưu vực các sông nhưng chưa bảo vệ được. Nhiều dòng sông đang bị đe dọa do khai thác bừa bãi, làm đập tràn lan. Thậm chí đã xảy ra tình trạng cục bộ là mỗi địa phương cứ phát triển kinh tế mà không có nghĩa vụ phối hợp bảo vệ lưu vực sông. Ông Vinh dẫn chứng: nếu Lâm Đồng dựa trên lợi ích của địa phương phá rừng, làm cao su, cà phê... mà không có cơ chế phối hợp bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai thì quả là rất kẹt cho TP.HCM vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước. Vì vậy cần có cơ chế để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai.

Thật bất ngờ, ông Lê Ngọc Sanh, phó chủ tịch UBND huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), đưa ra những tin chấn động còn hơn những gì ông Vinh nói: “Sông Đồng Nai đi qua địa bàn huyện nhưng gần đây năm nào cũng đón nhận những trận lũ kinh hoàng vì người ta ngăn đập làm thủy điện. Ở Tây nguyên có thủy điện Đồng Nai 3, 4, 5... thì nay ở huyện Cát Tiên quy hoạch thêm đập thủy điện 6 và 6A”.

Ông Sanh lắc đầu: không chỉ là chuyện thủy điện mà Cát Tiên đang đối mặt với tình trạng khai thác cát. Mỗi ngày ở địa bàn huyện có khoảng 100 ghe tàu đi lại trên 40km đường sông, tổ chức khai thác cát hết sức phức tạp, làm sạt lở cả hai bên bờ sông rất nghiêm trọng nhưng vẫn chưa giải quyết được. “Tỉnh này ra quân xử lý thì ghe tàu chạy sang vùng giáp ranh. Do vậy, nếu không có giải pháp thì sạt lở, ô nhiễm ở vùng thượng lưu có thể làm ảnh hưởng tới hạ lưu” - ông Sanh bức xúc.

Giết sông bằng... hóa chất

“Nếu chúng ta không bảo vệ những dòng sông ngay từ bây giờ thì viễn cảnh sau này còn hơn những gì chúng ta đang cảnh báo. VN có luật và chính sách bảo vệ các dòng sông nhưng vấn đề là thực hiện chủ trương đó như thế nào vì bảo vệ môi trường nay chưa hiệu quả. Năm 2008, khi chúng tôi đánh giá lại thì không có tiến bộ nào so với 10 năm trước đó” - ông Jake Brunner, đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) tại VN, nói.

Ông Trần Văn Tư, phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật TP Cần Thơ, cho hay: “Các dòng sông ở ĐBSCL đang báo động đến sự sống. Việc Trung Quốc đắp các con đập đã ảnh hưởng đến nước cho nông nghiệp. Trong vụ đông xuân năm 2009, lưu lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu chỉ đạt 1.600m3/s so với nhu cầu 1,5 triệu ha lúa phải là 1.700m3/s”. Kết quả khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ còn cho thấy chất thải nguy hại đổ xuống các con sông ở khu vực ĐBSCL từ 1.500-2.400 tấn/năm, phân bón hóa học 2 triệu tấn/năm, nước thải công nghiệp hơn 47 triệu tấn/năm... Các chất thải này gây ô nhiễm nguồn nước, tác hại ngày càng lớn đến sản xuất và đời sống, làm cạn dần tài nguyên đa dạng sinh học.

Trước thực trạng đau lòng trên, ông Dương Văn Ni - ĐH Cần Thơ - đặt vấn đề: “Cái gì đang xảy ra trên dòng Mekong? Điều lo lắng  là tình trạng khai thác dòng chảy của sông Mekong cho thủy điện”. Ông Ni trăn trở: “ĐBSCL sẽ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động kép của việc thiếu nguồn nước ngọt từ sông Mekong và mực nước biển dâng cao”.

Ông Ni ví von: “Lưu vực sông ĐBSCL phải coi nó như trái tim mới sống được và cần xem nước sông như máu”. Ông Nguyễn Văn Ngà, trưởng phòng tài nguyên - môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM), nói thẳng: “Hiện nay thực trạng quản lý còn thiếu một nhạc trưởng và chồng chéo, bất cập khiến nguồn nước cạn kiệt và sông ô nhiễm”.

Quá nhiều thủy điện trên sông Đồng Nai

Hiện nay trên lưu vực sông Đồng Nai đang mọc lên các đập thủy điện lớn nhỏ nên chắc chắn các đập từ thượng nguồn sẽ tác động đến vùng hạ lưu. Khi những công trình này xây dựng xong, nguồn nước và đất đều bị ảnh hưởng do bị tác động bởi những công trình này.

Ông JAKE BRUNNER
(đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên VN)

Nên nghĩ về hạ lưu

Đối với sông Đồng Nai, thủy điện chắc chắn làm thay đổi hoàn toàn thủy văn tự nhiên. Hằng năm nước từ thượng nguồn đổ về, đa dạng sinh học ở khu vực Bàu Sấu có nhiều loài cá, chim chóc... nên bây giờ nói cắt lũ, tích nước trong hồ thì chắc chắn ảnh hưởng đến việc bảo tồn ở vườn quốc gia Cát Tiên, vì thế phải cân nhắc hết sức dù nhu cầu điện rất cần.

Mặt khác, các nhà máy nước ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hầu hết lấy nguồn nước từ sông Đồng Nai, phục vụ việc phát triển kinh tế và nhân dân cả vùng này.

Ông NGUYỄN XUÂN VINH 
(quyền trưởng phòng nghiên cứu sinh thái - Viện Sinh học nhiệt đới)

Phải tự cứu mình

Sông Tiền, sông Hậu chính là sự sống của người dân ĐBSCL và an ninh lương thực. Ô nhiễm môi trường đang tràn lan nên phải khẩn trương quy hoạch tổng thể vùng, đào tạo nguồn lực...để cứu lấy ĐBSCL, bảo vệ sự sống cho cộng đồng. Chúng ta phải tự cứu mình để làm sao ĐBSCL đảm bảo sự ổn định và phát triển...

Ông TRẦN VĂN TƯ
(phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP Cần Thơ)

(Theo Tuổi trẻ online)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++