Tìm được nguồn nước bằng máy đo tia đất

Tiến sĩ (TS) Vũ Văn Bằng xây dựng phương pháp đo riêng và thực hiện khối lượng hợp đồng khổng lồ là tìm nước cho hơn 30 tỉnh, thành.
 
Tìm nguồn nước bằng máy đo tia đất là "lời giải" TS Bằng đưa ra để "giải" đề tài khoa học cấp tỉnh “Khảo sát tìm nguồn nước ngầm tại một số vùng khó khăn về nước tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) bằng phương pháp địa bức xạ”.

“Chúng tôi đã thử nghiệm với xã Xứ Rao, huyện Châu Đức, nơi đã được khoan hàng trăm mũi nhưng không tìm thấy nước để khẳng định phương pháp địa bức xạ thực sự mang tính khoa học”, TS Trương Thành Công, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ BR-VT, cho biết.

Chứng minh bằng thực tế

Dù nhận được nhiều ý kiến phản biện trái chiều, song TS Bằng khẳng định: “Đó là đương nhiên, nhất là trong khoa học. Nhưng nhiệm vụ của người nghiên cứu là chứng minh bằng thực tế. Tôi chỉ có cách chứng minh duy nhất rằng phương pháp, thiết bị có thể tìm được nguồn nước, khoáng sản hay hài cốt dưới lòng đất từ người thật, việc thật”.

Suốt ba năm ông “ôm” theo chiếc máy của mình đi thực hiện hợp đồng khắp nơi, từ tìm kiếm vàng tại Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn đến kiếm nước cho hơn 30 tỉnh, thành, nhất là những nơi xa xôi như đảo Phú Quốc, đảo Bạch Long Vĩ...

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đặt hàng tìm nguồn nước tại khu vực Quảng Đông, huyện Quảng Trạch với lưu lượng 300 m3/ngày để cung cấp cho cảng Hòn La và khu công nghiệp. Đây được xem là thử thách lớn với TS Bằng nhưng ông đã thành công.

Trước đó, khu vực này được khoan nhiều lần, có mũi khoan sâu đến 80 m nhưng chỉ tìm được nguồn nước có trữ lượng rất thấp. Cuối cùng, ông dò được “mỏ” nước ngọt khi bơm đạt 840 m3/ngày.

TS Vũ Văn Bằng đang dò tìm tia đất tại hiện trường.

Đầu năm 2008, TS Bằng tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu để  thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, dùng nguyên lý tia đất để tìm nước cho những vùng hiếm nước. Đề tài kéo dài hai năm này sẽ được nghiệm thu vào tháng 12 tới.

Đăng ký sở hữu trí tuệ cho máy đo tia đất

TS Trương Thành Công cho biết, sau khi lãnh đạo huyện Châu Đức gửi kiến nghị tới Sở KH - CN để tìm nguồn nước cho huyện, sở đã chọn xã khan hiếm nước nhất là Xứ Rao, nơi mà trước đấy đã sử dụng nhiều biện pháp nhưng chưa thành công, làm đề bài cho TS Bằng. Cách đây mấy tháng, kết quả nghiệm thu chứng minh nơi TS Bằng chỉ định đã khoan thấy nước.

Đây mới chỉ là kết quả bước đầu của đề tài vì TS Bằng đang khảo sát nước tại Côn Đảo. “Phương pháp này vẫn phải chờ thời gian nhưng kết quả bước đầu quá tốt, tác giả sử dụng phương pháp hoàn toàn mới mà chỉ được vị trí khoan đúng tuyệt đối là rất khó. Các phương pháp hiện đại không làm được điều đó”, TS Công nhận xét.

Dù vậy, để tránh “ăn may”, Sở Khoa học và Công nghệ BR-VT yêu cầu TS Bằng lập một bản đồ, xác định vị trí để khoan thêm ba lỗ tại xã Xứ Rao. “Nếu cả ba nơi TS Bằng chỉ định đều khoan được nước thì không còn nghi ngờ gì về phương pháp địa bức xạ trong việc tìm nguồn nước”, TS Công nói.

Theo tác giả, để bảo vệ kết quả nghiên cứu của mình, đầu năm 2009, TS Bằng làm hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cả phần lý thuyết về trường địa bức xạ và máy đo địa bức xạ.

Để tính giá việc tìm kiếm nguồn nước, ông so sánh với giá của phương pháp địa vật lý. Ví dụ, tìm một khu vực có nước ngầm, phải đo bốn mặt cắt với 160 cọc để dẫn điện. Mỗi điểm này mất 700.000 đồng, như vậy chi phí lên tới hơn 100 triệu đồng và mất bốn ngày. Nhưng với máy địa bức xạ, chỉ cần đo trong nửa tiếng, giá bằng 1/10. “Thiết bị này có thể đo được bất kể ngày đêm, không phụ thuộc bất cứ điều kiện tự nhiên nào mà độ chính xác có thể đạt gần 100%”, ông nói.

Tại hội thảo khoa học đầu tiên về địa bức xạ - tia đất tổ chức tháng 9/2009 tại Hà Nội, GS. TSKH Phan Văn Quýnh thừa nhận: “Về lý thuyết, tất nhiên không thể một sớm một chiều giải quyết triệt để, nhưng kết quả thực tế như thế là đáng trân trọng”.

TS Bằng dự định báo cáo kết quả nghiên cứu, thực nghiệm lên các cơ quan quản lý khoa học cấp cao hơn để phương pháp mới được thừa nhận và ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.

(Theo Báo Đất Việt)

Các tin mới hơn :

Các tin đã đưa :

tinkhoahoc.com đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và hoàn thiện nội dung.  tinkhoahoc.com là cổng thông tin thành viên của Hệ thống CIINS do USS Corp giữ bản quyền.
Rất mong nhận được sự hợp tác, góp ý từ các chuyên gia.
Mọi thông tin góp ý, hợp tác xin liên hệ: admin@tinkhoahoc.com  Mobile: 098 300 6168.
Xem tốt nhất với trình duyệt Mozilla Firefox 3.0 ++